Qua đời và người kế vị Thuận_Trị

Vi-rút đậu mùa nhìn qua kính hiển vi điện tử. Người Mãn không có khả năng miễn dịch với chủng vi-rut này. Hoàng đế Thuận Trị đã chết vì bệnh đậu mùa, trong khi người kế vị ông, Huyền Diệp, đã sống sót qua đợt dịch bệnh.

Phát bệnh

Tháng 9 năm 1660, Đổng Ngạc phi, người mà Thuận Trị Hoàng đế thương yêu nhất trong số phi thiếp, bất ngờ qua đời, có lẽ do đau buồn quá độ sau khi mất con.[143] Hoàng đế đắm chìm trong sự đau buồn và bỏ bê triều chánh trong nhiều tháng, đến khi ông mắc bệnh đậu mùa vào ngày 2 tháng 2 năm 1661.[143] Ngày 4 tháng 2 năm 1661, Thị lang Lễ bộ Vương Hy (16281703; tâm phúc của Hoàng đế) và Nội các học sĩ Ma Lặc Cát được triệu tới giường bệnh nghe di chỉ của Hoàng đế.[157] Cùng ngày hôm đó, người con trai thứ ba mới 7 tuổi của ông, Huyền Diệp được chọn làm người kế vị, có thể là vì cậu bé là người đã sống sót qua căn bệnh đậu mùa.[158] Hoàng đế qua đời vào ngày 5 tháng 2 năm 1661 ở Tử Cấm Thành, năm đó chỉ mới 22 tuổi.[143]

Người Mãn rất lo sợ bệnh đậu mùa hơn bất kì căn bệnh nào khác vì họ hoàn toàn không có khả năng miễn dịch và gần như chắc chắn sẽ chết nếu nhiễm bệnh.[159] Vào năm 1622 họ đã thành lập một cơ quan để điều tra các trường hợp bệnh đậu mùa và cách ly những người bị bệnh để tránh lây nhiễm.[160] Trong thời gian có dịch bệnh, các thành viên hoàng tộc thường được gửi tới Tị đậu sở để tránh lây nhiễm.[161] Thuận Trị Hoàng đế rất sợ hãi căn bệnh này, vì ông còn trẻ và sống ở một thành phố lớn, gần nguồn lây bệnh.[161] Thật vậy, dưới thời của ông đã có chín lần Bắc Kinh phát dịch đậu mùa, mỗi lần như vậy hoàng đế thường bị gửi tới những nơi an toàn như Nam Uyển, một trường săn bắn ở Bắc Kinh được Đa Nhĩ Cổn xây dựng thành Tị đậu sở những năm 1640.[162] Dù cho những biện pháp phòng ngừa như vậy-cũng như nhiều lần ra lệnh buộc người bệnh phải dời khỏi thành-vị Hoàng đế trẻ vẫn không thoát khỏi việc phát bệnh.[163]

Di chiếu giả

Chân dung Ngao Bái mặc quan phục. Ông này là một trong bốn viên quan được cử làm Phụ chánh cho Hoàng đế Khang Hi mới lên 8 tuổi.

Theo di chỉ cuối cùng của Hoàng đế, được thông cáo vào ngày 5 tháng 2, bốn đại quan được cử làm phụ chánh cho Huyền Diệp: Ngao Bái, Sách Ni, Át Tất Long, và Tô Khắc Táp Cáp, những đồng minh của Tế Nhĩ Cáp Lãng thời kì sau khi Đa Nhĩ Cổn chết (cuối năm 1650).[164] Có vẻ khó khăn để xác định liệu có phải Thuận Trị Hoàng đế đã trao quyền chấp chánh cho bốn người kia hay không, bởi vì họ và Thái hậu Hiếu Trang rõ ràng đã thay đổi di chỉ trước khi công bố, thậm chí là ngụy tạo nó.[165] Trong di chúc, Hoàng đế bày tỏ sự hối lỗi của mình về việc cải cách chế độ theo kiểu người Hán (phụ thuộc vào các hoạn quan và trọng dụng các quan chức người Hán), xa lánh các quý tộc Mãn Châu, và quá sủng ái Đổng Ngạc phi mà bỏ bê thân mẫu.[166] Tờ di chiếu đã đưa bốn vị phụ chánh trở thành những người nắm quyền lực thực tế, và họ cho phục hồi nhiều chánh sách cũ, tình hình này kéo dài tám năm, từ 1661 đến 1669.[167]

Sau khi qua đời

Bởi vì triều đình không hay biết gì về tình hình lúc Hoàng đế băng hà, người ta rộ lên tin đồn rằng ông không chết mà bỏ lên núi và cạo đầu trở thành một nhà sư, bởi ông quá chán nản sau cái chết của người sủng phi mà ông thương yêu, và bằng một cuộc đảo chính nào đó mà các quý tộc Mãn Châu giả di mệnh của ông để đã đoạt lấy, quyền nhiếp chính.[168] Những tin đồn này không phải là vô căn cứ vì Hoàng đế trở nên rất mộ đạo Phật từ cuối những năm 1650, thậm chí ông còn cho phép các nhà sư ra vào cung điện.[169] Các sử gia Trung xếp cái chết không rõ ràng của Hoàng đế Thuận Trị là một trong ba bí ẩn lớn đầu đời nhà Thanh.[170] Nhưng nhiều bằng chứng liên quan - bao gồm cả một ghi chép của một nhà sư đều ghi rằng sức khỏe của Hoàng đế đã xấu đi rất nhiều vào đầu tháng 2 năm 1661 vì bệnh đậu mùa, và một vị phi tử (Trinh phi) và một thị vệ đã tự sát để cùng hoàng đế về thế giới bên kia.[171]

Sau 27 ngày quàn trong Tử Cấm Thành, đến ngày 3 tháng 3 năm 1661, quan tài của Hoàng đế được chuyển đến Cảnh Sơn (một ngọn đồi ngay phía bắc thành Tử Cấm) với một đám rước long trọng, và nhiều món đồ quý giá bị đốt đi trong ngày tang lễ.[172] Chỉ hai năm sau, năm 1663, linh cữu của Hoàng đế được đưa đến nơi yên nghỉ cuối cùng.[173] Trái ngược với phong tục hỏa táng theo truyền thống của người Mãn Châu, di hài của Thuận Trị không bị đốt đi mà được chôn xuống lòng đất.[174] Nơi yên nghỉ của ông về sau gọi là lăng Thanh Đông, cách kinh thành Bắc Kinh 125 ki-lô-mét (75 dặm) về phía đông bắc, đâu là một trong hai lăng tẩm lớn của nhà Thanh.[175] Ngôi mộ của ông là lăng mộ đầu tiên được xây dựng trong quần thể Hiếu lăng (trong tiếng Mãn Châu là Hiyoošungga Munggan), nơi được xây dựng để táng cho Thuận Trị cùng các phi tử của ông.[175]